Các mô hình khuyến nông không chỉ dừng lại ở việc chuyển giao khoa học – kỹ thuật mà còn giúp nông dân sản xuất theo hình thức liên kết, mở rộng quy mô vùng nguyên liệu, góp phần nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập.
Thời gian qua, cùng với tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên triển khai nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả. Các mô hình này không chỉ dừng lại ở việc chuyển giao khoa học – kỹ thuật mà còn giúp nông dân sản xuất theo hình thức liên kết, mở rộng quy mô vùng nguyên liệu, góp phần nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập.

Vụ xuân năm 2023, Chi nhánh Vật tư nông nghiệp TP. Sông Công phối hợp với Công ty Vinaseed – Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam tổ chức thu mua gần 10 tấn thóc tươi giống lúa Đài Thơm 8 của người dân xã Bá Xuyên.

Đa dạng các mô hình, đề án

Vụ xuân vừa qua, người dân xã Bá Xuyên (TP. Sông Công) rất phấn khởi vì năng suất lúa Đài Thơm 8 đạt cao, 67 tạ/ha. Đặc biệt, Chi nhánh Vật tư nông nghiệp thành phố đã phối hợp với Công ty Vinaseed – Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam tổ chức thu mua gần 10 tấn thóc tươi cho bà con nông dân.

Đây là “trái ngọt” từ việc thực hiện mô hình thâm canh giống lúa Đài Thơm 8 do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố triển khai năm 2019, quy mô hơn 8ha.

Hiệu quả từ mô hình trên đã góp phần từng bước hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung trên địa bàn thành phố với quy mô hơn 100ha, gồm các giống lúa Đài Thơm 8, Hana số 6, J02…

Với lợi thế phát triển nông nghiệp, thời gian qua, huyện Phú Bình đã triển khai mô hình “Chăn nuôi vỗ béo bò thịt, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học kết hợp trồng ngô sinh khối” tại xã Nga My. Mô hình được thực hiện năm 2022, quy mô 155 con bò 3B với 22 hộ tham gia.

Sau thời gian vỗ béo 90 ngày, mỗi con bò cho thu lãi khoảng 6 triệu đồng, tăng gần 15% so với hộ chăn nuôi ngoài mô hình.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế, năm 2023, hơn 30 hộ dân ở các xóm: Phú Xuân, Bờ Trực, Núi Ngọc và Đình Dầm của xã Nga My đã liên kết thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi bò và Dịch vụ sản xuất nông nghiệp, với quy mô hơn 400 con bò; chăn nuôi lợn, gia cầm và nuôi giun quế.

Đặc biệt, Hợp tác xã đã liên kết thực hiện xử lý chất thải trong chăn nuôi và tái chế phân hữu cơ với Công ty CP DTF để tiêu thụ sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Giai đoạn 2021-2025, nguồn kinh phí cấp cho hoạt động khuyến nông của tỉnh là 12 tỷ đồng/năm. Từ nguồn kinh phí này, Trung tâm đã triển khai các chương trình, mô hình, dự án khuyến nông bám sát định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, phù hợp với nhu cầu sản xuất tại các địa phương. Qua đó góp phần giải quyết những khó khăn của người dân trong sản xuất nông nghiệp, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, liên kết sản xuất theo hướng an toàn…

Bà Ngô Thị Luyến, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Cán bộ khuyến nông ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn, cần lắng nghe phản hồi từ người nông dân để thay đổi phương pháp tư vấn, hướng dẫn phù hợp, đảm bảo phát huy hiệu quả các mô hình.

Giúp nông dân tổ chức lại sản xuất

Nếu như trước đây, mỗi khi vào vụ thu hoạch (từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9 hằng năm), người trồng na ở huyện Võ Nhai phải tập trung nhân lực để thu hoạch, thì nay thời gian chín của na kéo dài thêm 30-35 ngày nhờ phương pháp thâm canh rải vụ (áp dụng đốn, tỉa cành, thụ phấn để bố trí rải vụ theo thời gian thu hoạch quả chín sớm, chín chính vụ và chín muộn), nên người dân có thể chủ động về thời gian. Phương pháp này đã giúp nông dân thay đổi nhận thức, sản xuất được những quả na chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ.

Phương pháp thâm canh na rải vụ đã giúp người trồng na ở xã Phú Thượng (Võ Nhai) chủ động thời gian thu hoạch, đảm bao năng suất, cải thiện thu nhập.

Ông Kiều Thượng Chất, ở xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, phấn khởi nói: Mặc dù chi phí vật tư đầu vào của thâm canh cây na rải vụ cao hơn gần 6 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường, song năng suất tăng 13 tạ/ha và giá bán bình quân ở các trà sớm và muộn cao hơn chính vụ từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người dân thu lãi hơn 260 triệu đồng/ha, cao hơn với sản xuất thông thường 61 triệu đồng.

Ngoài việc giúp nông dân thay đổi tư duy, các mô hình khuyến nông đã định hướng nông dân tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ tổ hợp tác, câu lạc bộ; kết nối với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Hiện, toàn tỉnh có 734 hợp tác xã với trên 42.500 thành viên và người lao động, trên 4.500 tổ hợp tác với khoảng 8.900 thành viên và người lao động.

Thời gian qua, các mô hình kinh tế tập thể đã giúp khai thác, chia sẻ kinh nghiệm, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tận dụng các nguồn nguyên liệu, lao động hiện có tại địa phương. Qua đó giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Bà Đào Thị Thoi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã trà Tuất Thoi, ở xã La Bằng (Đại Từ), cho biết: Từ những hộ làm chè quy mô nhỏ lẻ, năm 2020, chúng tôi đã liên kết thành lập Hợp tác xã sản xuất chè theo theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Từ 9 thành viên ban đầu, đến nay Hợp tác xã có 30 hộ thành viên tham gia sản xuất chè, với quy mô vùng nguyên liệu gần 20ha. Đặc biệt, Hợp tác xã bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè búp tươi cho các thành viên với giá dao động từ 40-50 nghìn đồng/kg (cao hơn thị trường 10-15 nghìn đồng/kg).

Có thể thấy, các mô hình khuyến nông hiện nay không chỉ dừng lại ở việc chuyển giao, hướng dẫn khoa học – kỹ thuật mà còn cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng, thông tin, giúp người nông dân tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả được triển khai thành công; nhận thức về vai trò của việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật có nhiều chuyển biến rõ nét, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây trồng, vật nuôi.

Thành viên Hợp tác xã Chăn nuôi bò và Dịch vụ sản xuất nông nghiệp xã Nga My (Phú Bình) chăm sóc đàn bò 3B.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững

Với phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm triển khai công tác khuyến nông ở cơ sở với nhiều hình thức, hoạt động như: Tư vấn, chuyển giao công nghệ; liên kết tiêu thụ sản phẩm… Đến nay, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp toàn tỉnh đạt trên 123 triệu đồng/ha/năm; có 173 sản phẩm nông nghiệp được xếp hạng OCOP đạt 3-5 sao; gần 60ha chè hữu cơ…

Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Thái Nguyên: Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh đánh giá lợi thế của từng địa phương để xây dựng các vùng sản xuất tập trung, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ sản xuất, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là phát triển các sản phẩm chủ lực…

Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Thái Nguyên, cho biết thêm: Dù đạt được những kết quả tích cực, song các mô hình khuyến nông hiện nay đa phần có quy mô còn nhỏ, chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng. Liên kết trong sản xuất nông nghiệp chưa phổ biến, mà chỉ tập trung vào một số sản phẩm có lợi thế nhất định… Đây là những vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới.

Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chủ trì và phối hợp triển khai 45 chương trình, mô hình, dự án khuyến nông từ nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh. Trong đó có 33 mô hình trồng trọt và 12 mô hình chăn nuôi. Qua đánh giá, hầu hết mô hình cho lợi nhuận tăng từ 25-30% so với sản xuất đại trà.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0982509262
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon